Nguyễn Yến Lan: Nữ sinh Amsterdam dành học bổng 7 tỷ từ ĐH Pennsylvania Mỹ

Không dám nghĩ sẽ trúng tuyển bất kỳ trường nào trong nhóm Ivy League, Nguyễn Yến Lan, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn thử sức và thuyết phục thành công Đại học Pennsylvania hàng đầu tại Mỹ.

Đại học Pennsylvania (UPenn) là một trong 8 trường thuộc nhóm Ivy League danh giá ở Mỹ. Năm 2021, trường này được US News & World Report xếp hạng 8 ở Mỹ và đứng thứ 16 trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS. Kỳ tuyển sinh cho khóa 2021-2025, trường nhận được số hồ sơ đăng ký xét tuyển cao kỷ lục – hơn 56.000. Điều này khiến tỷ lệ thí sinh được chấp nhận ở mức rất thấp, chỉ 5,68%, tức hơn 3.200 sinh viên. Nguyễn Yến Lan, học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, là một trong số đó.

“UPenn là trường rất danh giá với cơ hội trúng tuyển thấp nên từ đầu em đã nghĩ apply để thử sức. Vì thế, khi nhận thư trúng tuyển từ trường với mức hỗ trợ tài chính lên tới 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) cho bốn năm, em vỡ òa, không thể tin nổi”, Lan nói. Ngoài UPenn, Lan được 6 trường khác cho học bổng và mời nhập học, trong đó có Đại học Richmond hay Beloit.

Nguyễn Yến Lan là học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguyễn Yến Lan là học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kể về hành trình nộp hồ sơ (apply) du học, Yến Lan tự nhận gặp nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Từ nhỏ, thấy bố mẹ, cô, dì thậm chí cả ông bà đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, Lan ước mơ trở thành người đầu tiên trong nhà du học bậc đại học. Thế nhưng, phải đến lớp 9, em mới tập trung vào mục đích này bằng việc quyết tâm trúng tuyển vào lớp chuyên Anh của trường Hà Nội – Amsterdam. Em coi việc được học tập trong ngôi trường có nhiều học sinh du học nhất nhì cả nước là bước đầu tiên trên hành trình chinh phục đại học Mỹ.

Suốt những năm tiểu học và THCS, Lan học trường công lập bình thường, ít bạn bè có định hướng du học. Khi vào trường Ams, Lan trong tâm thế phải thay đổi hoàn toàn, từ chỗ chỉ biết học sang một học sinh năng động, tham gia nhiều hoạt động. Vào trường không quen ai, cũng chưa biết mình thích ngành nghề gì, cứ thấy câu lạc bộ nào tuyển thành viên, Lan lại apply. Điều này khiến em gặp nhiều khó khăn, thậm chí stress trong giai đoạn đầu bởi không thể quản lý thời gian, ôm đồm quá nhiều.

Sau một thời gian, Lan dần quen với việc học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường. Em cũng tìm được những hoạt động mà mình yêu thích nhất để tiếp tục như làm PR cho câu lạc bộ Khoa học (Society of Open Science) hay GreeenAms Robootics, làm người mẫu cho câu lạc bộ thời trang Lamode, Phó chủ tịch câu lạc bộ Văn hóa The Intermediaries.

Cũng từ những hoạt động này, Lan nhận ra bản thân thích các công việc liên quan đến Khoa học máy tính và một mảng xã hội nào đó liên quan đến giáo dục hay tâm lý. Tìm kiếm trên mạng, Lan thấy ngành Cognitive Science (Khoa học nhận thức) phù hợp với tất cả mong muốn của mình, bao gồm cả Tâm lý học, Triết học, Khoa học máy tính. “Em xác định sẽ học Cognitive Science theo hướng Khoa học máy tính để học về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học giáo dục”, Lan nói.

Yến Lan làm mẫu trong một sự kiện của câu lạc bộ Thời trang Lamode. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Yến Lan làm mẫu trong một sự kiện của câu lạc bộ Thời trang Lamode. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xác định mục tiêu, cô gái sinh năm 2003 tìm hiểu để lựa chọn trường, dựa trên ba tiêu chí mà trước hết là phải có ngành Khoa học nhận thức, sau đó là môi trường học tập và địa điểm. Em mong muốn học trong môi trường mở, phù hợp với người hướng ngoại thay vì những ngôi trường quá nặng về học thuật.

Để tăng khả năng trúng tuyển, Lan không nộp hồ sơ vào các trường có thứ hạng cao mà chia thành nhiều nhóm, chẳng hạn top 20, top 50, top 100 và nộp ở mỗi nhóm một vài trường. Đểm SAT 1.540/1.600, SAT II Toán 2 đạt 800/800, IELTS 8.0, GPA 9,7/10, mức rất cao nhưng chưa khiến Lan đủ an tâm khi nhiều bạn cũng đạt như vậy. Hơn nữa, hồ sơ của em không nhiều yếu tố quốc tế.

“Em từng nhận được học bổng tham gia trại hè dành cho các tài năng trẻ của Đại học Vanderbilt vào năm 2020 nhưng bị hủy do Covid-19. Là thành viên đội tuyển Robot quốc gia GART6529 dự kỳ thi Robot quốc tế FIRST Robotics Competition tại Australia, nhưng em cũng không đi được vì lý do tương tự”, Lan kể.

Ngoài những thứ bắt buộc, Lan có thêm chứng chỉ B1 tiếng Pháp, chứng chỉ Piano từ Trinity College London, ba giải thành phố môn tiếng Anh cùng kinh nghiệm hai tháng thực tập ở một công ty về ứng dụng học Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho trẻ em. Các yếu tố trên cộng với điều kiện tài chính không đủ sức cạnh tranh khiến Lan phải tính toán, đưa ra phương án chọn trường ở nhiều mức nhằm thực hiện giấc mơ du học Mỹ. Nữ sinh đã apply 18 trường ở nhiều nhóm.

Nộp vào nhiều trường đồng nghĩa với số bài luận cũng sẽ nhiều. Với bài luận chính 650 từ, Lan phải tìm cách lý giải sao cho các hoạt động ngoại khóa có sự thống nhất với ngành mong muốn bởi chính em cũng thấy các hoạt động của mình liên quan nhiều đến PR, Marketing hay Business hơn. Còn với bài luận phụ, mỗi trường 1-2 bài, Lan phải lên web trường và tìm hiểu rất nhiều để xem những điểm mạnh nhằm có nền tảng giải thích lý do lựa chọn trường.

Yến Lan từng tham gia cuộc thi tìm kiếm đại sứ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và lọt top 20. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Yến Lan từng tham gia cuộc thi tìm kiếm đại sứ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và lọt top 20. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đến thời điểm nộp hồ sơ, Yến Lan thấy hài lòng về những gì đã chuẩn bị. Em lạc quan sẽ được nhiều trường nhận. Thế nhưng, thông báo đầu tiên từ Đại học Case Western Reserve khiến em sốc nặng. Họ không cho em vào danh sách chờ và báo trượt thẳng. Trong khi các trường còn lại nộp đợt sớm cũng đẩy hồ sơ của em xuống đợt tuyển sinh thường.

“Em stress, bố mẹ cũng vậy. Mất vài hôm rồi em tự trấn an rằng chắc mình không hợp trường đó. Em phải xem xét lại, tìm hiểu thêm nhiều trường khác có thứ hạng thấp hơn để điều chỉnh cho đợt nộp sau. Em cũng viết thư thuyết phục các trường vẫn còn để hồ sơ của em lại để xét tuyển, trong đó có UPenn”, Lan nói.

Coi việc viết thư thuyết phục không khác gì bài luận chính thứ hai, Lan dồn hết tâm sức. Trong thư, em một lần nữa nói về lý do chọn ngành và chọn trường. Em chia sẻ thêm về việc tự học tâm lý, triết học bằng tiếng Anh qua các khóa học trên mạng và sách báo. Em cũng theo học Khoa học máy tính của một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội với mong muốn trang bị kiến thức cơ bản nhất về ngành sẽ học trước khi lên đường sang Mỹ. Ngoài thư, Lan còn làm video dài hơn 2 phút để giới thiệu bản thân, mong trường nhìn nhận kỹ hơn.

Việc không bỏ cuộc giữa chừng, cố gắng thuyết phục nhà tuyển sinh đã giúp Yến Lan trúng tuyển 7 trong số 18 trường đã nộp, trong đó có Đại học Pennsylvania danh giá. Em quyết định chọn trường này để theo học.

Hiện, Lan ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và vẫn tự học các môn liên quan đến ngành Khoa học nhận thức để chuẩn bị cho quá trình học ở Mỹ. Nữ sinh trường Ams khuyên những bạn có ước mơ du học nên có sự chuẩn bị sớm, chủ động và không bỏ cuộc khi tất cả cơ hội chưa khép lại.

Nguồn: Dương Tâm (Vnexpress)

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được thích nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x