Nhân ngày của Mẹ, Ad xin trích dẫn câu nói mà mình rất tâm đắc của bạn Lê Hải Phú, 31 tuổi, quê Tiền Giang, có hai bằng thạc sĩ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Carnegie Mellon, Mỹ:
“Mẹ là động lực lớn nhất thúc đẩy tôi du học”
Gia cảnh khó khăn là động lực để Hải Phú nỗ lực học tập, tốt nghiệp thủ khoa Ngoại thương và giành học bổng thạc sĩ ở hai đại học hàng đầu Mỹ. Phú nói hành trình du học của mình là chuỗi ngày phấn đấu để thực hiện ước mơ thoát nghèo và đưa mẹ đến Mỹ.
Sinh ra trong gia đình làm nông có 7 người con ở huyện Cái Bè, Phú lớn lên trong cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Anh nhớ mãi những ngày khốn khó, khi 6 anh, chị em cùng đi học. Bà ngoại có một chiếc vòng vàng nhưng gia đình thường phải mang đến tiệm cầm đồ để xoay xở, có tiền lại chuộc về.
“Muốn thay đổi cuộc sống và thoát nghèo, tôi không có cách nào khác ngoài học”, Phú nói.
Năm 2015, Phú đỗ trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 và Đại học Y Dược TP HCM nhưng không chọn theo ngành y vì muốn học nhanh để ra trường. Mục tiêu của anh là giành học bổng để không phải đóng học phí, kết hợp làm gia sư kiến tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn. Cuối cùng, Phú là thủ khoa tốt nghiệp sớm ngành Kinh tế đối ngoại với 7 kỳ đạt học bổng.
Khi đó, thấy nhiều bạn bè chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, Phú cũng muốn tìm môi trường mới để thử thách bản thân và khiến mẹ tự hào. Anh cho hay mẹ ở nhà làm nông nhưng luôn mơ ước một ngày đặt chân đến Mỹ.
“Mẹ là động lực lớn nhất thúc đẩy tôi du học”, anh kể.
Thay vì đi làm chính thức, Phú tự học tiếng Anh, ôn GRE (bài kiểm tra đầu vào bậc sau đại học), tham gia hoạt động ngoại khóa và tìm kiếm học bổng. Để tiết kiệm, Phú cũng tận dụng các khóa tiếng Anh miễn phí 1-2 tuần của trung tâm hoặc các lớp do cựu sinh viên dạy. Đồng thời, Phú duy trì việc đi làm gia sư và một số công việc bán thời gian để có thu nhập. Sau khoảng một năm ôn luyện, anh thi IELTS hai lần và đạt 8.0-8.5, điểm GRE là 337/340 điểm.
Ngoài ra, anh tham gia các dự án về giáo dục, môi trường như xây cầu, thư viện hay mở lớp dạy Toán cho trẻ em nghèo tại TP HCM và miền Tây.
Cuối năm 2017, anh nộp hồ sơ vào khoảng 10 trường, nhắm tới các đại học miễn phí dự tuyển. Phú trúng tuyển ngành Chuỗi cung ứng ở MIT với khoản hỗ trợ 50.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng) cho một năm học thạc sĩ. Trong bài luận, anh kể về nghịch lý “được mùa mất giá” ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Quê hương anh vốn là vùng trồng lúa và trái cây nhưng vào mùa không có thương lái thu mua, nông sản thường bị rớt giá. Lúc được mùa, người nông dân lại không bán được giá cao do thiếu tính liên kết, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Vì người dân quen làm nhỏ lẻ, không có các tiêu chuẩn áp vào sản phẩm khiến chất lượng không đồng đều. Trong khi ở Thái Lan, nông dân lại thu lợi nhuận cao hơn nhờ có chuỗi cung ứng. Phú muốn học ngành này, với mong muốn giúp bà con phát triển chuỗi cung ứng một cách bền vững.
MIT nhiều năm liền đứng đầu thế giới về chương trình thạc sĩ ngành quản lý chuỗi cung ứng, theo xếp hạng của QS. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ của trường chưa đủ để Phú đến Mỹ. Anh tiếp tục tìm kiếm các nguồn học bổng khác để trang trải. Nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ và người thân giúp đỡ, anh lên đường.
“Tôi cũng hơi sợ nhưng không có thời gian do dự. Người khác làm được, tôi cũng làm được”, anh Phú nhớ lại.
Ban đầu, anh gặp khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ và cách học mới. Trong khi các bạn tự tin trình bày ý kiến, Phú ngại, không dám phát biểu. Anh thường phải ghi âm bài giảng để về nghe lại. Khi đã quen, Phú đăng ký thêm các khóa học và không ngại hỏi nếu chưa hiểu. Kết thúc chương trình, anh đạt loại xuất sắc và được tuyên dương.
“Hôm tôi tốt nghiệp, mẹ mặc áo dài đến dự. Bà rất xúc động khi nghe tên tôi và hai tiếng Việt Nam vang lên”, anh Phú kể.
>> Tổng chi phí du học Mỹ tự túc khoảng bao nhiêu?
Do không định hướng nghiên cứu mà muốn làm cho doanh nghiệp hoặc làm tự do, Phú tiếp tục nộp hồ sơ đi Mỹ, chuyển hướng sang khoa học dữ liệu. Đây là môn anh từng học ở MIT và rất hứng thú.
Năm 2022, Phú trúng tuyển chương trình thạc sĩ ngành Phân tích số liệu khoa học tại Đại học Carnegie Mellon, với khoản hỗ trợ 20.000 USD học phí. Theo xếp hạng US News, Carnegie Mellon luôn vào top 20-30 đại học ở Mỹ.
Trước đó, trong hơn hai năm ở nhà, Phú làm các dự án của bạn bè tại Mỹ, dạy tiếng Anh, kiến thức về chuỗi cung ứng cho sinh viên và tư vấn du học. Nhờ tích lũy kinh nghiệm và tài chính, anh sẵn sàng hơn trong lần thứ hai trở lại. Lần này, Phú cũng đạt kết quả xuất sắc.
Trong thư giới thiệu ứng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ, bà Gwendolyn Stanczak, Giám đốc khoa sau đại học ở Carnegie Mellon, cho biết Phú là thủ khoa tốt nghiệp với điểm tất cả môn học và khóa luận đạt A+.
“Đây là thành tích chưa từng có của khoa”, bà Gwendolyn viết.
Hai lần sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con trai, bà Trương Thị Sâm, 71 tuổi, thấy hãnh diện. Bà kể được con đưa đi tham quan trường, giữa không khí đông vui. Nhìn con trưởng thành, bà như được bù đắp cho những ngày tháng vất vả trước đây.
“Khi con lên nhận bằng, tôi vui muốn khóc”, bà Sâm nhớ lại.
Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, giảng viên trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, cũng là người viết thư giới thiệu để Phú nộp hồ sơ, anh thành công vì có khả năng tự học cao, tinh thần cầu tiến và rất nghiêm túc.
Phú hiện ở quê với gia đình, hỗ trợ các cháu ôn thi và làm dự án. Anh trúng tuyển chương trình tiến sĩ ở một số trường và đang cân nhắc. Phú nhìn nhận việc hiểu bản thân muốn gì rất quan trọng, biết khả năng của mình đến đâu để đề ra mục tiêu.
“Phải sẵn sàng thì cơ hội mới đến. Muốn thế, bạn cần bắt tay vào từng bước”, anh nói.
Theo Bình Minh – VNExpress